(Short) story #5: A shattered life

Tôi không biết lúc nào bạn sẽ đọc được câu chuyện này, nhưng tôi có thể chỉ đích xác nó bắt đầu như thế nào: Lúc ấy tôi đang một mình đi dạo trong rừng, và thứ đó đến với tôi. Nói là nó mờ ảo là còn nhẹ nhàng chán. Nó là, vì tôi không tìm được cách diễn tả tốt hơn, sự thiếu vắng ý nghĩa. Nơi nó ẩn mình, cây cối không tồn tại; nơi nó di chuyển tới, cỏ hóa thành hư vô; trên đường cong nó lướt qua tôi, không có chút chuyển động. Không có không khí nữa.

Khi nó tác động lên tôi, tôi cảm thấy như thể những chiếc móng vuốt đâm thấu mình từ một nơi nào đó không thể thấy được; từ một nơi nào trên cơ thể mà tôi chưa bao giờ cảm thấy gì. Tay và chân và ngực và bụng tôi hoàn toàn bình thường và tôi không chảy máu chỗ nào, nhưng tôi biết rằng mình đã bị thương, bằng một cách nào đó. Khi tôi sợ hãi chạy về nhà, tôi có thể cảm thấy rằng mình không còn toàn vẹn như xưa nữa. Tôi thấy hơi mệt một chút, và nhiều lúc không thể tập trung được.

Lúc ấy, giải pháp rất dễ dàng: một cốc cà phê là tôi cảm thấy bình thường trở lại.

Suốt một quãng thời gian dài, chút mất mát trong linh hồn của tôi được caffeine xua đi. Bạn có thể nói rằng cuộc đời tôi bắt đầu từ tuần đó, thật đấy, vì đó là tuần mà tôi gặp Mar. Nàng và tôi hợp tính nhau, tôi cảm thấy thế, và tôi khá chắc là mình đã yêu nàng qua điện thoại từ lúc còn chưa gặp mặt nữa.

Như thể như những cảm xúc mạnh mẽ ấy đã khơi gọi thứ đó quay lại – nó vẫn còn đó, bám víu lên một bộ phận vô hình trên cơ thể tôi.

Những sự cố đầu thì không lớn lắm, và tôi còn chẳng lấy làm lo lắng mấy. Như là chuyện một sáng màu con xe nhà hàng xóm chuyển từ xanh thẫm sang đen, và tôi chỉ nhìn nó lấy vài giây trước khi lắc đầu và mặc kệ sự thay đổi. Hai hôm sau, ở chỗ làm, một cậu đồng nghiệp đổi tên từ Fred sang Dan. Tôi hỏi những người xung quanh, nhưng họ đều nói rằng tên cậu ta vẫn luôn là Dan. Tôi đoán là mình nhớ nhầm.

Rồi thì, nghe có vẻ vô lí, nhưng tôi đang đi tè trong nhà tắm thì bỗng nhiên thấy mình xuất hiện trên một con phố lạ. Vẫn mặc bộ đồ ngủ, quần thì đang tụt, và nước thì vẫn xả đều – nhưng giờ thì ở ngay trước mặt cả tá người ở một trạm dừng xe buýt. Tôi rùng mình, vội vàng kéo quần lên và chạy ngay trước khi có ai đó gọi cảnh sát. Tôi về nhà kịp, nhưng trải nghiệm ấy buộc tôi phải tin rằng mình vẫn còn đang gặp nguy hiểm. Thứ đó đã tác động lên tôi một cách nào đó, và tôi không biết phải chống lại nó thế nào.

Tối hôm ấy, Mar đến, nhưng nàng có một bộ chìa khóa của riêng mình.

“Này,” tôi thắc mắc. “Sao em lại có chìa khóa thế?”

Nàng cười lớn. “Anh buồn cười thế. Anh có chắc là mình không sao chứ?” Nàng mở cửa ra và đi vào một căn phòng đầy những chiếc hộp. “Em biết là chuyển đến sống cùng nhau là một sự thay đổi lớn, nhất là khi mình mới hẹn hò được ba tháng.”

Sống cùng nhau á? Chúng tôi vừa mới biết nhau từ tuần trước cơ mà. Mà, không phải tự nhiên mẹ tôi vẫn gọi tôi là chiếc bánh quy thông minh bé nhỏ. Tôi biết là nên ngậm miệng lại. Thay vì tự dưng tranh luận trên phố, tôi nói với nàng rằng mọi chuyện đều ổn – và đi vào phòng mình để bắt đầu điều tra.

Mọi đồ đạc của tôi vẫn còn đó, như thể không có khoảng trống ba tháng nào ở đây cả, chỉ có một khác biệt duy nhất: ngày tháng. Tôi ớn lạnh sống lưng khi nghĩ về sự thực đó.

Thứ đó đã nuốt sống ba tháng của cuộc đời tôi.

Tôi đang đối mặt với thứ quỷ quái gì đây? Thứ sinh vật kì dị nào có thể tước đoạt một phần linh hồn người ta như thế? Tôi đã lỡ mất phần tuyệt vời nhất của một mối quan hệ mới, và tôi sẽ không thể nào hiểu được những câu trêu đùa hay những câu chuyện chung của hai đứa có liên quan tới ba tháng đó. Nó lấy đi của tôi một thứ quý giá nhường đó, làm như tôi gần như phát điên lên được.

Cơn nộ của tôi giúp tôi kìm nén thứ đó. Tôi không uống rượu bao giờ. Tôi uống cà phê hạn chế. Tôi kiểm tra lịch mỗi sáng thức giấc. Trong ba năm, tôi sống mỗi ngày mà không có sự thay đổi nào quá lớn. Chỉ có một vài thứ đó đây – như công việc của ai đó, con cái của họ, kiểu kiểu đó – quang cảnh góc phố, thời gian phát chương trình ưa thích của tôi, kiểu kiểu đó. Những sự thay đổi ấy nhắc tôi rằng thứ đó vẫn còn đang giương nanh vuốt đâu đó trong linh hồn tôi. Trong suốt ba năm ấy, chưa một lúc nào tôi để cho mình quên mất điều ấy.

Rồi đến một ngày, tôi bất cẩn. Tôi để cho bản thân mình đắm chìm vào tập cuối bộ phim mình thích. Một cái kết trên cả tuyệt vời. Và ngay lúc ấy, một cậu nhóc bé xíu đến cạnh ghế sofa và lắc lắc tay tôi.

Tôi ngạc nhiên hỏi, “Cháu là ai thế? Sao lại vào đây được?”

Thằng bé cười, rồi bảo. “Ba hâm này!”

Trái tim tôi hẫng mất một nhịp. Tôi biết điều gì đã xảy ra ngay lập tức. Sau khi hỏi thêm một vài câu, tôi biết được rằng thằng nhóc hai tuổi – và nó là con trai tôi.

Nỗi đau đớn trong tim tôi thực sự không thể chịu nổi. Tôi không chỉ lỡ mất sự ra đời của con trai mình, mà còn không thể được chứng kiến những năm đầu tiên của cuộc đời nó. Chắc hẳn Mar và tôi đã kết hôn và có một gia đình trong quãng thời gian mà tôi mất đi, và tôi không hề được biết trong những tháng năm đó đã có những vui buồn gì.

Ngoài trời, tuyết đang rơi. Ôm con trai trong lòng, tôi ngồi đó và ngắm những hạt tuyết li ti bay bay trong không khí. Cuộc đời sẽ thành ra thế nào, nếu như mỗi lúc bất cẩn là tôi lại mất nhiều năm của đời mình? Tôi cần được giúp đỡ.

Nhà thờ không biết có chuyện gì cả. Những thầy tu không tin lời tôi kể, và nói rằng tôi bị bệnh chứ không bị chi phối gì cả.

Các bác sĩ cũng không biết chuyện gì đang xảy ra. Những tấm chụp chiếu và kiểm tra không thể hiện gì cả, nhưng tất nhiên họ vui vẻ nhận tiền khám của tôi.

Đến lúc không còn lựa chọn nào khác, tôi quyết định nói với Mar. Không thể biết được nhìn từ phía Mar thì mọi chuyện thế nào. Lúc tôi không ở đó, thì trông tôi thế nào? Tôi có đưa đón con đi học không? Tôi có làm việc không? Có vẻ như những thứ đó không có gì bất thường, bởi nàng cũng không thấy gì bất thường, nhưng tôi vẫn cảm thấy khiếp sợ khi nghĩ đến việc cuộc đời cô đã thiếu vắng thứ gì đó khi tôi không thực sự ở đó, trong đầu óc của mình.

Nhưng khi tối đến, khi tôi đã dọn sẵn một bữa tối hoành tráng, nàng không dùng chìa khóa mở cửa, mà lại gõ cửa. Tôi mở cửa, và thấy nàng trong một bộ váy xinh đẹp.

Nàng tỏ ra bất ngờ khi nhìn những gì tôi bày ra trên bàn. “Một bữa tối tuyệt vời cho buổi hẹn hò thứ hai sao? Em biết là anh rất ngọt ngào với em mà!”

Ơn chúa, tôi biết ngậm miệng đúng lúc. Nếu tôi cứ thế kể chuyện hai đứa đã lấy nhau và có với nhau một cậu con trai, chắc nàng sẽ chạy mất dép mất. Thay vào đó, tôi cởi áo khoác cho nàng và ngồi vào cùng tận hưởng buổi hẹn hè thứ hai ấy.

Nhờ những câu hỏi được suy xét kí lưỡng, tôi đã tìm ra được chân tướng mọi sự. Đây thực sự là buổi hẹn thứ hai của chúng tôi. Nàng thấy được sự bình tâm và hạnh phúc của tôi, nhưng nhìn nhận chúng như những bồn chồn của chuyện hẹn hò. Và tôi cũng thấy dễ chịu hơn hẳn khi nhận ra rằng thứ đó không hẳn là cướp mất từng phần của cuộc đời mình. Những triệu chứng, khi tôi hiểu ra, có vẻ như là biểu hiện của một tâm hồn vụn vỡ. Sinh vật đó làm tôi bị thương, làm tôi vỡ vụn. Có lẽ tôi phải sống cuộc đời mình mà không có thứ tự thời gian, nhưng ít nhất tôi cũng thực sự được sống.

Và mọi chuyện cứ thế qua vài năm – theo góc nhìn của tôi. Trong khi những sự thay đổi nhỏ về chính trị hay địa lí vẫn xảy ra hàng ngày, những sự thay đổi lớn chỉ đôi ba tháng mới đến một lần. Mỗi khi tôi thấy mình ở một nơi xa lạ và một mốc thời gian không quen, tôi chỉ im lặng và lắng nghe, để đảm bảo rằng mình biết được những thứ xung quanh trước khi gây ra một sai lầm nào đó. Lần nhảy thời gian lớn nhất, tôi gặp được cậu cháu trai sáu tuổi của mình, và tôi hỏi nó rằng nó muốn làm gì khi lớn lên. Nó nói “Nhà văn ạ.” Tôi nói rằng đó là một ý hay.

Và rồi, tôi quay lại tháng thứ hai trong quan hệ với Mar, và chúng tôi có được đêm hẹn tuyệt vời nhất bên bờ song. Khi tôi nói “tuyệt vời nhất”, tôi thực sự nghĩ vậy. Biết được sau này nàng sẽ trở nên quan trọng với tôi thế nào, tôi muốn nàng tới ở chung. Tôi được sống lại những khoảnh khắc tôi đã bỏ lỡ trước đây, và tôi hiểu rằng mình không hề vắng mặt. Tôi sẽ có mặt – một lúc nào đó. Khi chúng tôi chuyển những thùng đồ tới, nàng khựng lại một khắc và nói rằng nàng thực sự thích tình yêu mà tôi dành cho nàng, như thể tôi đã biết nàng cả đời rồi, và chưa bao giờ nghi ngờ việc nàng là người quan trọng nhất của tôi.

Ấy là lần đầu tiên tôi thực sự cười tự do và hết lòng mình kể từ giờ khắc thứ đó làm tôi bị thương. Nàng đã đúng về tình yêu tôi dành cho nàng, nhưng nàng chỉ cho đó là một câu chuyện viễn tưởng khi tôi say tình. Tôi thực sự đã biết nàng cả cuộc đời này, và với những điều tôi gặp phải, tôi phải thích nghi với nó. Cũng không tệ lắm đâu, khi biết trước được một chút về những thứ sẽ xảy ra trong tương lai.

Nhưng hẳn là tôi sẽ không viết ra những điều này nếu như chuyện không trở nên tệ hơn. Thứ đó vẫn còn đó. Nó không hề làm tôi bị thương rồi bỏ đi như tôi muốn tin. Tôi có thể hiểu rằng nó vẫn đang đào sâu hơn vào tâm trí của tôi, dần dần đâm vỡ nó ra thành từng mảnh nhỏ. Thay vì đôi ba tháng mới gặp thay đổi lớn một lần, giờ là vài tuần. Một khi đã nhận ra điều đó, tôi sợ rằng kết cục cuối cùng sẽ là nhảy qua nhảy lại giữa những thời gian khác nhau trong cuộc đời mình, từng giây, từng nhịp đập một, vĩnh viễn bối rối, vĩnh viễn lạc lối. Mỗi lần một khoảnh khắc đồng nghĩa với việc tôi sẽ không thể nói chuyện với ai, không thể có được một cuộc trò chuyện, không thể thể hiện hay nhận lại tình yêu được.

Khi hố sâu tuyệt vọng ấy đang dần nuốt chửng tôi, tôi thấy mình trong một phiên bản già hơn của mình, ngồi nhìn tuyết rơi bên khung cửa. Đó là thứ bất biến duy nhất trong cuộc đời tôi: thời tiết không quan tâm tôi là ai hay tôi phải chịu những nỗi đau nào. Thiên nhiên luôn ở đó. Tuyết rơi luôn như cái móc giúp tôi hoàn hồn; sự bình yên thanh khiết trong cảm xúc mà nó mang lại như thể liều thuốc vạn năng cho vết thương tâm hồn của tôi, và tôi chưa bao giờ bị nhảy thời gian khi ngắm nhìn những bông tuyết trắng và nhớ về những lúc tôi trượt ván tuyết hay xây thành trì tuyết hồi còn bé.

Một cậu nhóc tuổi teen chạm vào tay tôi. “Ông ơi?”

“Hở?” Cậu bé làm tôi dứt khỏi những suy nghĩ của mình, nên tôi không được cẩn trọng như những lúc khác. “Cháu là ai thế?”

Cậu bé cười nửa miệng, như thể không biết được tôi có đang nói đùa hay không. Cậu đưa tôi một tập giấy và nói, “Đây là lần đầu cháu thử viết truyện. Ông thử đọc và cho cháu biết cảm nghĩ được không ạ?”

À, ra thế. “Theo đuổi giấc mơ trở thành nhà văn, ta thấy rồi.”

Cậu bé đỏ mặt. “Cháu đang cố gắng ạ.”

“Được. Cứ đi chơi đi, ta sẽ đọc luôn.” Những dòng chữ mờ nhạt, và, khó chịu, tôi nhìn quanh xem có đôi kính lão nào không. Già thật chẳng dễ chịu chút nào, và tôi muốn nhảy thời gian về những tháng ngày còn trẻ – nhưng phải đọc cho xong tập truyện này đã. Tôi tìm thấy cặp kính của mình trong túi áo len, và bắt đầu đọc lướt qua. Mar đi qua đi lại trong phòng khách, vẫn xinh đẹp như ngày nào, nhưng tôi phải tập trung. Tôi không biết mình còn ở đây được bao lâu nữa.

Có vẻ như chúng tôi có họ hàng đến chơi. Có phải đang Giáng sinh không? Một đôi người lớn và hai đứa trẻ tôi không quen mặt đi ngang qua hành lang, và tôi thấy con trai mình, giờ đã là người lớn, bước cùng với vợ ra ngoài. Nhóm người bắt đầu trượt ván tuyết ngoài đó.

Cuối cùng thì tôi cũng đọc xong tập truyện, và gọi cháu trai mình vào. Cậu nhóc chạy như bay xuống cầu thang và qua phòng khách. “Ông thấy thế nào ạ?”

“Chà, nó tệ lậu,” tôi nói với nó điều tôi nghĩ, “Nhưng nó tệ với những lí do đúng đắn. Cháu vẫn còn là một chàng trai trẻ, nên những nhân vật của cháu cư xử như những người trẻ, nhưng cấu trúc câu chuyện thì ổn rồi đó.” Tôi ngưng lại. “Ta không nghĩ nó lại là một truyện kinh dị đấy.”

Thằng bé gật đầu. “Nó là sự phán ánh của những thời kì. Kì vọng về tương lai khó tối tăm, không đầy hy vọng như xưa từng nghĩ.”

“Cháu còn quá trẻ để suy nghĩ kiểu đó đấy,” tôi nói với nó. Một ý tưởng chợt nảy đến với tôi. “Nếu cháu có hứng thú với truyện kinh dị, cháu có biết gì về những sinh vật kì lạ không?”

“Có ạ. Cháu đọc mọi thứ có thể tìm được. Cháu thích lắm.”

Hơi lo lắng, tôi ngó ra cửa vào phòng khách. Mọi người còn đang bận bịu bên ngoài. Lần đầu tiên, tôi trả lòng mình với một người khác về những gì mà tôi đã trải qua. Tôi vội vã kể về nhận thức vỡ vụn của mình.

Với một đứa nhóc tuổi teen, nó rất hiểu chuyện. “Ông nghiêm túc đấy ạ?”

“Ừ.”

Thằng bé toát lên hình ảnh kiên định của một người đàn ông đang nhận một nhiệm vụ quan trọng. “Cháu sẽ nghiên cứu thêm. Ông nên bắt đầu viết lại những điều ông đã trải qua. Xây dựng dữ liệu. Có lẽ ông cháu mình có thể vẽ một bản đồ cho vết thương tâm trí của ông đấy.”

Wow. “Nghe được đấy.” Tôi bị bất ngờ. Nó nói có lí, và tôi không hề nghĩ nó lại đáp lại một cách nghiêm túc đến thế. “Nhưng làm sao để ta tập hợp mọi ghi chú được viết lại ở cùng một chỗ được?”

“Để nghĩ xem ông đặt chúng ở đâu được,” nó nói, trong đầu vẫn đang nghĩ ngơi. “Rồi cháu sẽ lấy ra, và chúng ta có thể truy được con đường ông sống qua cuộc đời mình, để xem có một dấu hiệu nào không.”

Lần đầu tiên kể từ khi biết được các triệu chứng đang dần trở nên tệ hơn, tôi lại thấy được hy vọng. “Hốc cầu thang thì sao nhỉ? Ở đó không có ai làm gì cả.”

“Chắc chắn rồi ạ.” Thằng bé quay lại và rời phòng khách.

Tôi đi theo nó. Tôi nghe tiếng nó gần cầu thang.

Và rồi, nó quay lại với một chiếc hộp, đặt nó lên thảm, và mở ra với một chồng giấy viết khổng lồ. “Ối mẹ ơi!” thằng bé thốt lên.

Lùi lại, tôi chớp mắt liên tục. “Ta đã viết hết những thứ này sao?”

Thằng nhóc nhìn tôi ngưỡng mộ. “Vâng. À không, ông sẽ viết. Sau hôm nay, ông vẫn cần phải viết chúng và đặt chúng dưới hốc cầu thang.” Cậu nhìn lại vào đống giấy, và đậy chiếc hộp lại. “Nhưng ông không nên đọc những thứ này đâu, vì nếu thế thì sẽ lạ lắm.”

Điều đó thì tôi hiểu. “Phải rồi.”

Cậu bé nuốt nước bọt. “Có phải đến năm chục cái thùng ở đó, cái nào cái nấy đều đầy giấy thế này. Để giải mã được chúng sẽ mất rất nhiều thơi gian.” Nó nói với giọng rất nghiêm túc. “Nhưng cháu sẽ cứu ông, ông ạ. Vì cháu không nghĩ còn ai khác có thể làm được điều đó.”

Những giọt nước mắt lăn dài trên má tôi, và tôi không thể ngăn mình sụt sịt một chút. Tôi đã không nhận ra mình đã cô đơn đến nhường nào trong ngục tù nhảy thời gian của mình cho đến ngày có được một người hiểu được. “Cảm ơn cháu. Cảm ơn cháu rất nhiều.”

Và rồi tôi trẻ trở lại, và đang làm việc vào một ngày thứ ba nào đó. Một khi nỗi buồn và sự an lòng qua đi, sự tức giận và lòng kiên định tràn ngập tâm trí tôi. Khi xong việc, tôi lấy giấy ra và bắt đầu viết. Những tháng, những tuần, những ngày nhảy đi nhảy lại. Rồi thành những giờ, tôi viết mọi lúc tôi có thể, về những thời gian và địa điểm tôi nghĩ mình từng ở. Tôi đặt chúng dưới hốc cầu thang, không có thứ tự; hộp đầu tiên lại là hộp thứ ba mươi, và hộp cuối lại là hộp đầu. Đến lúc tôi viết đủ năm mươi hộp theo cảm quan của tôi – và khi những cú nhảy thời gian diễn ra mỗi vài phút – tôi biết phần còn lại phải giao lại cho cháu trai của mình rồi.

Tôi ngả đầu xuống và nhắm mắt lại. Không chịu nổi những chuỗi nhảy thời gian liên tục nữa. Những cái tên và những nơi chốn và những ngày tháng và những công việc và những màu sắc và những người nọ người kia đều sai khác hết cả.

Tôi chưa bao giờ già đến thế. Tôi ngồi đó, nhìn tuyết rơi. Một người đàn ông độ hơn 30 mà tôi mang máng nhận ra đã đi vào căn phòng. “Cháu nghĩ rằng cháu đã tìm ra rồi.”

Cơ thể tôi mong manh đến mức chỉ cử động thôi đã thấy đau đớn rồi. “Là cháu phải không? Là cháu trai của ta?”

“Vâng.” Cậu ta đưa tôi đến một căn phòng đầy những thiết bị kì lạ và đặt tôi ngồi lên một chiếc ghế, đối diện với một chiếc gương cao gấp đôi người đứng. “Cuối cùng cháu cũng bắt được dấu hiệu rồi.”

“Cháu đã theo vụ này bao lâu rồi?” Tôi kinh hãi hỏi nó. “Hãy nói với ta rằng cháu không bỏ lỡ cuộc đời mình như ta đã từng đi!”

Phản ứng của chàng trai vừa lạnh lùng vừa quả quyết. “Sẽ đáng thôi ông ạ.” Nó đưa hai thanh kim loại mảnh tới gần hai tay của tôi và nhìn vào gương. “Ông nhìn này. Dòng điện đã được điều chỉnh cẩn thận rồi.”

Dòng điện từ thiết bị của thằng bé hơi tê tê, nhưng không đau chút nào. Trong gương, tôi thấy một thứ ánh sáng – bóng tối chạy quanh co không ngừng ngay phía trên vai và đầu mình. Dòng điện chạy qua sinh vật ấy như một cơn song, trong chớp mắt làm hiện lên bản chất của điều xảy đến với tôi. Một cái miệng như của con đỉa cắm từ sau gáy tôi, cuộn qua hai bên lồng mày và chạm tới mỗi bên tai, và cơ thể dài ngoàng của nó quấn ngang xuống vai tới tận đáy của linh hồn tôi.

Một thứ kí sinh trùng.

Mà nó ăn mòn tâm trí tôi.

Đứa cháu bé – giờ đã là một người đàn ông trưởng thành – cầm tay tôi khi nhìn vào trong gương. Sau một chút thời gian ngắn ngủi, nó hỏi, “Kéo nó dứt ra sẽ rất đau đấy. Ý ông thế nào?”

Hãi sợ, tôi hỏi, “Mar có ở đây không?”

Mặt thằng bé mềm lại một chút. “Không ạ. Mấy năm rồi ông ạ.”

Phản ứng của thằng bé cho tôi biết điều đã xảy ra, nhưng tôi không muốn tin nó là sự thật. “Thế nào?”

“Ông cháu mình đã nhiều lần nói chuyện này rồi,” nó đáp. “Ông có chắc là ông muốn biết không? Chưa bao giờ điều đó làm ông cảm thấy dễ chịu hơn đâu ạ.”

Những giọt nước mắt cứ thế tuôn ra không ngừng. “Thế thì ta không quan tâm có đau hay không, hay ta có qua khỏi hay không nữa. Ta không muốn ở lại một quãng thời gian mà bà ấy không còn sống.”

Thằng bé thở dài một lượt, rồi quay lại chiếc máy của mình để cắm nhiều dây, đi-ốt, và mấy thứ công nghệ nọ kia vào sườn và trán tôi. Vừa làm, thằng bé vừa nói. “Cháu đã nghiên cứu suốt hai thập kỉ qua để tìm ra thứ này, và cũng nhờ vô số sự giúp đỡ của những người khác nữa. Con kí sinh trùng này về nguyên tắc không hề tồn tại trong không gian của chúng ta. Nó là một trong những loài thuộc nhánh con của µ¬ßµ, và nó ăn mạng dây thần kinh của tâm trí, linh hồn, và tâm thức lượng tử. Lúc ông thấy sự thay đổi trong những chi tiết như tên người hay màu sắc của vật thể, không phải ông phát điên đâu ạ. Chỉ là mạng lưới tồn tại của ông mất đi những sợi dây nối, bởi sinh vật đó ăn mòn dần đi.”

Tôi không thực sự hiểu hết được. Tôi nhìn lên bối rối trong lúc thằng bé đội lên đầu tôi một mạng điện trên chính xác những đường chạm tới miệng con kí sinh trùng. “µ¬ßµ là gì thế?”

Thằng bé khựng lại, mặt tái đi. “Cháu quên mất là ông không biết. Thế lại may đấy, tin cháu đi ạ.” Sau một hơi dài, nó tiếp tục, đặt tay mình lên mấy cái công tắc. “Ông sẵn sang chưa? Thứ này sẽ biến hệ thần kinh của ông trở nên không ngon lành với con kí sinh trùng nữa, nhưng về bản chất, nó là liệu pháp sốc điện đấy.”

Tôi có thể nhìn thấy Mar mỉm cười. Dù là nàng đã không còn nữa, tôi vừa mới thấy nàng mới đây. “Làm đi.”

Tiếng bật công tắc vang vọng trong tâm trí tôi, và tôi suýt chút nữa đã bật cười sằng sạc vì dòng điện hóa ra bé đến thế. Còn chẳng cảm thấy gì cả – ít nhất là lúc ban đầu. Thế rồi, tôi cảm thấy tấm gương bắt đầu rung lên bần bật, mà thấy hình ảnh phản chiếu của mình co giật trên đó. Ôi. Không. Có đau. Đau không thể nào có gì khác so sánh nổi. Nó dữ dội đến mức tâm trí tôi không thể nào cảm nhận được ngay.

Khi tầm nhìn của tôi lắc dữ dội và lửa cháy trên mọi hạch thần kinh trên cơ thể tôi, tôi có thể thấy cái thứ kí sinh trùng sáng tối lẫn lộn bám trên đầu tôi cũng quằn quại không kém gì. Nó có những móng vuốt – sáu cái chi đầy móng vuốt như của lũ bò sát – và nó bấu vào cơ thể tôi không muốn buông ra.

Dòng điện khiến cho kí ức của tôi lóe lên.

Nụ cười của Mar ở ngay trước mắt, sáng trước ngọn lửa hồng, đằng sau là tuyết rơi sau khung cửa sổ. Những mép cạnh của kí ức bắt đầu sáng lên, và tôi nhận ra rằng cuộc đời mình vốn vẫn là một dòng trải nghiệm liên tục – chỉ là nhận thức của tôi về nó bị vỡ vụn bởi sinh vật kí sinh trên lưng tôi.

Tôi chưa bao giờ được chứng kiến ngày con trai tôi sinh ra. Đúng là tôi đã nhảy qua quãng đó cả tá lần, nhưng chưa bao giờ đúng lúc đó. Lần đầu tiên, tôi cầm tay Mar và ở đó cùng nàng qua cơn vượt cạn.

Không. Không! Khoảnh khắc ấy chuyển qua lúc khác, vẫn là nàng trên giường bệnh viên, nhưng với một lí do khác hẳn. Không phải thứ này. Vì chúa, tại sao chứ? Thật là ác độc khi bắt tôi phải nhớ điều này. Nước mắt tôi giàn dụa khi các y tá chạy đến phòng bệnh. Tôi không muốn biết. Tôi không muốn trải nghiệm. Tôi đã qua hết những lúc vui vẻ, nhưng tôi đâu muốn những khúc đau buồn – kết cục không thể tránh khỏi mà đến một ngày tôi sẽ phải đối mặt.

Không đáng. Nó nhuốm màu đen tối. Bao nhiêu niềm vui, giờ trả lại vạn lần niềm đau.

Ngọn lửa trong cơ thể và trong tâm trí tôi bùng phát lên dữ dội như tra tấn, và tôi kêu gào thảm thiết.

Tiếng kêu thét của tôi trở thành một tiếng kêu ngạc nhiên khi những máy móc và điện và ghế dần tan biến. Tuyết không còn rơi quanh cuộc đời tôi nữa; tôi đang ở trong rừng trong một ngày hè nhiều nắng.

Chúa ơi.

Tôi quay lại và nhìn thấy sinh vật ấy tiến gần đến mình. Vẫn là sự thiếu vắng ý nghĩa, vẫn là một khoảng trống vô hình giữa hiện tại. Nó trườn mình về phía trước, như lần trước – nhưng, lần này, nó co lại và chuyển hướng khác. Tôi đứng đó, kinh ngạc trước việc được trẻ lại và không còn con kí sinh trùng nữa. Cháu trai tôi làm được rồi! Nó biến tôi thành một thứ không còn hấp dẫn với con kí sinh trùng nữa, nên sinh vật ấy đã đi tìm một đĩa thức ăn khác.

Tôi trở về nhà trong tình trạng choáng váng.

Và khi tôi ở đó suy nghĩ về những điều đã xảy ra, chuông điện thoại bắt đầu reo. Tôi nhìn nó với ánh mắt vừa ngạc nhiên vừa buồn bã. Tôi biết ai đang gọi. Là Marjorie, gọi cuộc đầu tiên với một lí do linh tinh nào đó mà ba mươi năm sau đó cô sẽ thừa nhận rằng mình bịa ra để bắt chuyện với tôi.

Nhưng trong tâm trí tôi tràn ngập hình ảnh nàng nằm trên giường bệnh trong khoảnh khắc cuối đời. Mọi chuyện sẽ kết thúc trong nỗi cô đơn và đau đớn không thể tả nổi. Tôi sẽ trở thành một lão già, bị bỏ lại đơn độc trong một ngôi nhà trống rỗng, khi tri kỉ của đời mình đã đi trước nhiều năm. Cuối cùng, còn đó chỉ có một lão già ngồi đó nhìn tuyết rơi không dứt.

Nhưng giờ, nhờ có cháu trai mình, tôi có lại được kí ức. Một cuộc đời lên xuống, vui buồn lẫn lộn, dù nó có kết thúc thế nào.

Tôi nhấc máy điện thoại lên. Nở nụ cười trên môi, tôi hỏi, “Chào, ai đang gọi đó?”

Dù là tôi đã biết câu trả lời rồi.

——-

Ghi chú của tác giả: Ông nội và tôi muốn viết lại câu chuyện cuộc đời của ông. Không may sao, bệnh Alzheimer của ông tiến triển xấu quá nhanh, và hai ông cháu không thể kết truyện được. Ông vẫn còn, nhưng tôi tưởng tượng rằng, tâm trí ông đang ở một nơi tốt hơn nhà dưỡng lão. Tôi nghĩ rằng ông đang ở những ngày tháng trẻ hơn, sống và sống hạnh phúc, bởi vì hiện tại lạnh lẽo hơn nhiều. Hôm nay trời đổ tuyết rơi; ông thích tuyết lắm. Khi tôi ghé thăm ông, ông không nhận ra, nhưng ông có mỉm cười khi ông ngồi đó nhìn ra ngoài cửa sổ.

— Ssiem, 24/04/2020, một ngày rảnh rỗi ngồi dịch truyện

Advertisement

Leave a Reply

Fill in your details below or click an icon to log in:

WordPress.com Logo

You are commenting using your WordPress.com account. Log Out /  Change )

Facebook photo

You are commenting using your Facebook account. Log Out /  Change )

Connecting to %s